Luật sư tư vấn lao động về Tai nạn lao động cho Người lao động đang làm việc tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Luật Gia Vinh có đội ngũ Luật sư tư vấn lao động chuyên nghiệp, nhiều năm kinh nghiệm, liên tục tư vấn và hỗ trợ về hợp đồng lao động, chế độ bảo hiểm, tranh chấp lao động về đơn phương chấm dứt hợp đồng, bồi thường thiệt hại, khởi kiện tại tòa án để bảo về quyền lợi cho người lao động. Đây là nội dung Luật sư tư vấn lao động của Luật Gia Vinh về chế độ trong tai nạn lao động:
Nội dung chính
Contents
- 1 YÊU CẦU CỦA KHÁCH HÀNG NHỜ LUẬT SƯ TƯ VẤN LAO ĐỘNG:
- 2 A. Cơ sở pháp lý để luật sư tư vấn lao động
- 3 B. Nội dung tư vấn
- 4 I. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
- 4.1 2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định như sau:
- 4.2 3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
- 4.3 II. Luật sư tư vấn Lao động về mức bồi thường trường hợp KHÔNG CÓ LỖI của người lao động:
- 4.4 Mức bồi thường được tính theo công thức sau:
- 4.5 III. Luật sư tư vấn Lao động Bồi thường do MỘT PHẦN LỖI hoặc HOÀN TOÀN LỖI của người lao động
- 4.6 IV. Luật sư tư vấn Lao động về Chế độ bảo hiểm xã hội đối với người tai nạn lao động
- 4.7 Kết luận:
YÊU CẦU CỦA KHÁCH HÀNG NHỜ LUẬT SƯ TƯ VẤN LAO ĐỘNG:
Theo nội dung KH cung cấp, trong thời gian làm việc tại Công ty (tháng 3/2018) ông xảy ra tai nạn lao động. Hậu quả thương tật khoảng 35%. Ông tham gia BHXH tính đến nay là 30 năm, mức lương theo hợp đồng/tham gia BHXH hiện tại là 9.200.000 đồng/tháng. Yêu cầu tư vấn về trách nhiệm của công ty, mức bồi thường trong tai nạn lao động có lỗi của người lao động và mức trợ cấp tai nạn lao động không có lỗi của người lao động. Luật sư tư vấn lao động của Luật Gia Vinh tư vấn cho ông như sau:
A. Cơ sở pháp lý để luật sư tư vấn lao động
– Bộ luật Lao động năm 2019
– Luật Bảo hiểm xã hội 2014
– Luật an toàn vệ sinh lao động 2015
– Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
– Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
– Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội bắt buộc.
B. Nội dung tư vấn
I. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
Theo quy định tại Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 và Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động như sau:
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho bị tai nạn lao động.
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra Hoặc trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động trong trường hợp do lỗi của người lao động.
5. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động được giám định y khoa, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động;
6. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa;
7. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
8. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động.
II. Luật sư tư vấn Lao động về mức bồi thường trường hợp KHÔNG CÓ LỖI của người lao động:
Theo điểm a Khoản 4 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, mức bồi thường tai nạn lao động được tính:
Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
Mức bồi thường được tính theo công thức sau:
TBT = Lương x 1,5% + {(a-10) x 0,4}
Trong đó:
TBT: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên
1,5: Mức (%) suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%.
0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%”.
Như vậy số tiền được bồi thường được tính bằng:
9.200.000 x 1,5 % + {(35%-10%) x 0,4} = 105.800.000 đồng
III. Luật sư tư vấn Lao động Bồi thường do MỘT PHẦN LỖI hoặc HOÀN TOÀN LỖI của người lao động
Căn cứ Khoản 5 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015. Luật sư tư vấn Lao động tư vấn cho anh trong trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức bồi thường không do lỗi của người lao động. Như vậy số tiền được bồi thường là:
[9.200.000 x 1,5 % + {(35%-10%) x 0,4}] x 40% = 42.320.000 đồng
IV. Luật sư tư vấn Lao động về Chế độ bảo hiểm xã hội đối với người tai nạn lao động
Theo thông tin KH cung cấp, tỷ lệ suy giảm lao động là 35% thì ông thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Căn cứ Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
“1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị”.
Cách tính trợ cấp hàng tháng theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH:
Mức trợ cấp hằng tháng = Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp = {0,3 x Lmin + (m-31) x 0,02 x Lmin} + {0,005 x L + (t-1) x 0,003 x L}
Trong đó:
– Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
– m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 31 ≤ m ≤ 100).
– L: Mức tiền lương, đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.
– t: tổng số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.
Theo mức lương cơ sở tại Nghị định 47/2017/ NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 1.300.000 đồng tạm tính số tiền bồi trợ cấp hàng tháng là:
{0,3 x Lmin + (m-31) x 0,02 x Lmin} + {0,005 x L + (t-1) x 0,003 x L}
= {0,3 x 1.300.000 + (35-31) x 0,02x 1.300.000} + {0,005 x 9.200.000 + (30-1) x 0,003 x 9.200.000}
= 1.340.400 đồng/tháng
Kết luận:
Sau khi nghiên cứu cơ sở pháp lý và nội dung yêu cầu tư vấn của ông Tuyển, Luật sư kiến nghị ông Tuyển yêu cầu Công ty bồi thường số tiền tương ứng như trên và yêu cầu công ty lập hồ sơ gửi Cơ quan bảo hiểm để ông được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng.
Trường hợp ông muốn thương lượng với Công ty để không kê khai bảo hiểm xã hội thì ông nên cân nhắc mức thương lượng phù hợp để đảm bảo quyền lợi của mình. Ông cũng cần lưu ý về việc xác định lỗi của mình tránh bất lợi khi tính mức bồi thường/trợ cấp.
LUẬT GIA VINH
Điện thoại: 0986 649 686 (Ls Dũng) – 090 579 8868 (Hotline)
Email: luatgiavinh@gmail.com
Địa chỉ: Số 1796 Đường Nguyễn Ái Quốc, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Website : https://luatsubienhoa.com