Trong thời gian gần đây, LUẬT GIA VINH nhận được rất nhiều câu hỏi nhờ Luật sư tư vấn về công chứng và thừa kế về đất đai của nhiều khách hàng tại Biên Hòa, Đồng Nai. Do đó, Luật sư Đồng Nai tư vấn, giải đáp và hỗ trợ thực hiện một số câu hỏi – trường hợp, cụ thể như sau:
Nội dung chính
Contents
- 1 LUẬT SƯ TƯ VẤN VỀ CÔNG CHỨNG VÀ THỪA KẾ
- 1.1 Từ chối nhận di sản đất khác tỉnh thành đang sinh sống thì phải công chứng ở đâu?
- 1.2 Có công chứng hợp đồng mua bán nhà ở tại trại tạm giam được không?
- 1.3 Có thể ủy quyền cho người khác công chứng di chúc của mình không?
- 1.4 Hai bên có phải cùng đến văn phòng công chứng để ký hợp đồng ủy quyền không?
- 1.5 Không biết chữ có ký công chứng hợp đồng thuê nhà được không?
- 1.6 Nghĩa vụ thanh toán của người thừa kế di sản
- 1.7 Bị cản trở việc chia di sản thì phải thế nào
LUẬT SƯ TƯ VẤN VỀ CÔNG CHỨNG VÀ THỪA KẾ
Từ chối nhận di sản đất khác tỉnh thành đang sinh sống thì phải công chứng ở đâu?
Câu hỏi 1: Tôi được thừa kế quyền sử dụng đất ở tỉnh Đồng Nai. Hiện tại, tôi đang sinh sống ở Thành phố Hà Nội. Tôi muốn từ chối nhận di sản này thì phải công chứng tại Hà Nội hay Đồng Nai nhờ Luật sư tư vấn giúp trường hợp này?
Luật sư trả lời:
Điều 42 Luật Công chứng quy định về phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản như sau: Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.
Căn cứ quy định nêu trên, ông/bà có thể lựa chọn công chứng văn bản từ chối nhận di sản tại tỉnh Đồng Nai hoặc Thành phố Hà Nội
Có công chứng hợp đồng mua bán nhà ở tại trại tạm giam được không?
Câu hỏi 2: Tôi có người nhà đang bị tạm giam nên không thể đến tổ chức hành nghề công chứng để công chứng hợp đồng mua bán nhà ở. Vậy, người nhà tôi phải làm thế nào nhờ Luật sư tư vấn giúp?
Luật sư trả lời
Theo Điều 44 Luật Công chứng về địa điểm công chứng quy định như sau:
“1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”.
Căn cứ quy định nêu trên thì người nhà bạn có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc công chứng hợp đồng mua bán nhà ở ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.
Có thể ủy quyền cho người khác công chứng di chúc của mình không?
Câu hỏi 3: Tôi muốn công chứng di chúc. Tôi có thể ủy quyền cho con trai tôi yêu cầu công chứng di chúc thay tôi được không thưa luật sư?
Luật sư trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 56 Luật Công chứng quy định về việc công chứng di chúc như sau: Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.
Căn cứ quy định nêu trên, ông/bà không thể ủy quyền cho con trai yêu cầu công chứng di chúc.
Hai bên có phải cùng đến văn phòng công chứng để ký hợp đồng ủy quyền không?
Câu hỏi 4: Tôi sống ở thành phố Cần Thơ. Bố tôi sống ở thành phố Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương. Tôi muốn ủy quyền cho bố tôi làm thủ tục mua nhà ở tại Bình Dương. Chúng tôi có bắt buộc phải cùng đến một Văn phòng công chứng để thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền không? Nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi:
Luật sư trả lời:
Theo Điều 55, Luật Công chứng quy định về công chứng hợp đồng ủy quyền như sau:
1. Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.
2. Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
Căn cứ quy định nêu trên, bạn và bố bạn thể công chứng hợp đồng ủy quyền mà không phải cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng.
Không biết chữ có ký công chứng hợp đồng thuê nhà được không?
Câu hỏi 5: Thưa Luật sư, tôi muốn công chứng hợp đồng thuê nhà nhưng tôi không biết ký. Trường hợp của tôi phải thực hiện thế nào nhờ Luật sư tư vấn giúp?
Luật sư trả lời:
Theo Khoản 2 Điều 48 Luật Công chứng quy định về việc ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng như sau:
Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
Căn cứ vào quy định trên thì bạn có thể công chứng hợp đồng thuê nhà. Công chứng viên sẽ hướng dẫn bạn cách điểm chỉ vào hợp đồng bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.
Nghĩa vụ thanh toán của người thừa kế di sản
Câu hỏi 6: Chào Luật sư, bố tôi là ông C có vay của bà K một số tiền là 450.000.000 đồng. Do chưa chi trả được nên bà K đã kiện lên TAND huyện. Đến nay bố mẹ tôi đều đã chết và không để lại di chúc. Sinh thời, bố mẹ tôi có 5 người con. Vậy tôi xin được hỏi trách nhiệm của chúng tôi trong việc chi trả cho bà K số tiền 450.000.000 mà bố tôi đã vay, và quyền lợi của chúng tôi trong khối tài sản chung là như thế nào ?
Luật sư trả lời:
Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau: Khoản 1 Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại quy định những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Căn cứ theo quy định này, những người được hưởng thừa kế phần di sản bố mẹ bạn để lại sẽ phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản vay 450.000.000 đồng và tiền lãi nếu có cho bà K. Việc thanh toán sẽ được thực hiện theo hai trường hợp:
– Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại. Theo đó, người quản lý di sản của bố mẹ bạn sẽ thanh toán khoản tiền vay cho bà K trong phạm vi di sản bố bạn để lại. Phần di sản còn lại sau khi thanh toán nghĩa vụ sẽ được chia cho những người thừa kế.
– Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp này do bố mẹ bạn chết không để lại di chúc nên việc phân chia di sản sẽ theo quy định pháp luật và mỗi người thuộc cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau nếu không có thỏa thuận khác. Do đó, nếu không có người thừa kế nào khác ngoài 5 anh em bạn thì phần di sản của bố bạn sẽ được chia đều thành 5 phần và tương ứng với đó mỗi người sẽ phải thanh toán khoản tiền 90.000.000 đồng cho bà K. Tuy nhiên, trường hợp phần di sản 5 anh ẹm bạn được nhận có giá trị nhỏ hơn 90.000.000 đồng thì mỗi người chỉ phải thanh toán cho bà K giá trị tương ứng phần di sản bạn đã được nhận.
Bị cản trở việc chia di sản thì phải thế nào
Câu hỏi 7: Cha tôi qua đời (không để lại di chúc) có để lại di sản là một mảnh đất, đã hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo pháp luật từ 10 năm trước, không có tranh chấp phát sinh khi ông còn sống. Khi gia đình làm các thủ tục phân chia di sản thì Phòng Công chứng làm hồ sơ, niêm yết tại UBND xã nơi cha tôi có hộ khẩu và nơi có mảnh đất. Tại nơi có mảnh đất có một cá nhân tự nhận có tranh chấp, có văn bản đề nghị UBND xã và Phòng Công chứng không tiếp tục phân chia di sản. Phòng Công chứng đã ngưng việc phân chia, đề nghị gia đình tôi khởi kiện, sẽ phân chia lại khi có Bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật. Gia đình tôi đề nghị người tự nhận tranh chấp tiến hành khởi kiện bảo vệ quyền lợi nếu anh ta cho rằng anh ta có quyền. Nhưng anh ta không làm gì cả vì biết rằng sự việc sẽ dừng lại, đó là ý muốn của anh ta.
Tôi xin hỏi trong tình huống này để tiếp tục được phân chia di sản thì gia đình tôi phải làm gì (không tính phương án đàm phán với người tự nhận tranh chấp)?
Luật sư trả lời:
Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau: Theo thông tin mà bạn cung cấp có thể thấy cá nhân tự nhận có tranh chấp quyền sử dụng đất với gia đình bạn mới chỉ gửi văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp xã và Phòng Công chứng để ngăn cản việc phân chia di sản là quyền sử dụng đất này. Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật đất đai năm 2013 thì việc gửi đơn này được xác định là thủ tục yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.
Căn cứ khoản 3 Điều 202 Luật đất đai và Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai thì Ủy ban nhân dân cấp xã trong vòng 45 ngày sẽ thực hiện các công việc sau:
– Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;
– Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải.
– Tổ chức cuộc họp hòa giải.
Trường hợp cá nhân kia không gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền như tòa án hoặc ủy ban nhan dân cấp huyện thì quyền sử dụng đất của gia đình bạn sẽ không bi coi là đất đang có tranh chấp và được tiếp tục phân chia theo các quy định về thừa kế. Tuy nhiên trong thời gian thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai quyền sử dụng đất của gia đình bạn sẽ không được làm thủ tục phân chia.
Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, khi gia đình bạn đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà đối tượng yêu cầu giải quyết tranh chấp không đưa ra được chứng cứ phù hợp tại Ủy ban nhân dân, cũng như không tiến hành khởi kiện thì đất của bạn sẽ vẫn được xác định là đất không có tranh chấp thuộc sở hữu của gia đình bạn. Và gia đình bạn không cần tự khởi kiện để bảo đảm quyền lợi của mình.
Xem thêm:
- Tư vấn mua bán đất bằng giấy tờ tay;
- Mua đất không đúng chủ sở hữu?
- Tư vấn về tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ;
Nếu các bạn có câu hỏi nào khác về công chứng, thừa kế hay bất kì các vấn đề khác về tranh chấp về Đất đai, Dân sự, Thương mại, Hôn nhân gia đình… hãy liên hệ với Luật sư Đồng Nai để được tư vấn miễn phí:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ UY TÍN TẠI BIÊN HÒA ĐỒNG NAI
LUẬT GIA VINH
Điện thoại: 0986 649 686 (Ls Dũng) – 090 579 8868 (Hotline)
Email: luatgiavinh@gmail.com
Địa chỉ: Số 1796 Đường Nguyễn Ái Quốc, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Website : https://luatsubienhoa.com